Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Thuốc kém chất lượng như của VN Pharma dễ lách luật khi đấu thầu tập trung

Bà Phạm Khánh Phong Lan nguyên là Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM và một trong 46 thành viên hội đồng chuyên môn thẩm định danh mục thuốc cần mời thầu vào năm 2014. Đây là lần đầu tiên Sở Y tế TP HCM áp dụng hình thức đấu thầu thuốc tập trung thay vì từng bệnh viện tổ chức như trước. Đây cũng là năm đầu tiên Công ty Cổ phần VN Pharma tham gia đấu và trúng thầu 64 mặt hàng trong đó có thuốc H-Capita chữa ung thư. Thuốc này ngay sau đó bị cơ quan điều tra xác định đã được làm giả hồ sơ nhập khẩu, Bộ Y tế niêm phong trước khi đưa ra thị trường.  

Giá trúng thầu càng thấp chưa chắc chất lượng thuốc tốt

Trao đổi với VnExpress.net, bà Lan cho biết năm 2007 khi bắt đầu làm phó giám đốc phụ trách mảng dược tại Sở Y tế TP HCM, bà đã xây dựng đề án đấu thầu tập trung cho ngành y tế. Tuy nhiên thời điểm ấy bà cho rằng hình thức này chưa thể triển khai vì TP HCM có nhiều bệnh viện và đặc biệt là thị trường dược rộng lớn phức tạp, chưa được kiểm soát tốt với hàng chục nghìn mặt hàng vừa sản xuất trong nước vừa nhập khẩu. 

Bà Lan diễn giải, nếu cho rằng đấu thầu tập trung giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng thì chưa đúng. Nguyên tắc đấu thấu là giá phải bằng hoặc thấp hơn giá kế hoạch (giá của thuốc có hoạt chất tương đương trúng thầu năm trước đó). Ví dụ, cùng một mặt hàng, giá năm trước 10.000 đồng thì năm sau giá phải từ 10.000 đồng trở xuống. Đợt đấu thầu năm 20014 là lần đầu tiên tiến hành tập trung nên giá kế hoạch được Sở Y tế lấy bằng với giá trúng thầu thấp nhất năm trước cho cùng loại thuốc có hoạt chất tương đương tại các bệnh viện. 

"Nếu lấy giá kế hoạch trừ giá trúng thầu và so sánh chênh lệch thì số tiền tiết kiệm được là do giá kế hoạch cao quá hoặc giá trúng thầu thấp quá, dẫn đến thuốc kém chất lượng có thể vô thị trường được", bà Lan phân tích. 

Không ủng hộ giá thuốc đắt đỏ, song bà Lan cho rằng xây dựng giá kế hoạch theo hình thức đấu thầu tập trung thì giá thuốc mỗi năm càng rẻ, vấn đề chất lượng sẽ rất khó đảm bảo lâu dài. "Thực tế khi đấu thầu tập trung trong hai năm 2014-2015, hầu hết các công ty dự thầu đều vượt qua vòng kỹ thuật nên chủ yếu là cạnh tranh nhau về giá thuốc", nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế nay là đại biểu Quốc hội chia sẻ.

Thuốc chất lượng tốt không cạnh tranh được với thuốc giá rẻ

Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Dược Sở Y tế TP HCM cũng cho rằng hình thức đấu thầu thuốc tập trung có nhiều bất cập. Năm 2013 về trước các bệnh viện TP HCM tự đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế. Phương thức này cho thấy nhiều nhược điểm. Khi ấy mỗi bệnh viện tự đấu thầu đã gây lãng phí, tốn nhiều tiền bạc, nhân lực, thời gian. Dược sĩ bệnh viện không có nhiều thời gian tham gia làm công tác dược lâm sàng với bác sĩ, bình đơn thuốc, bình bệnh án, theo dõi phản ứng, sai sót khi dùng thuốc... Khi bệnh viện xảy ra vấn đề thiếu thuốc lại khó điều phối từ các bệnh viện khác kịp thời hỗ trợ.

Bệnh nhân mua thuốc tại bệnh viện ở TP HCM năm 2014. Ảnh: Lê Phương.

Bệnh nhân mua thuốc tại bệnh viện ở TP HCM năm 2014. Ảnh: Lê Phương.

Năm 2014 và 2015 các bệnh viện chuyển sang đấu thầu tập trung tại Sở Y tế TP HCM theo quy định mới. Có 1.211 mặt hàng trúng thầu năm 2014 tại Sở Y tế TP HCM, tổng giá trị rẻ hơn năm trước 25%.  

Theo ông Dũng: "Điều bất cập là trong mỗi nhóm thuốc tuy cùng đạt các tiêu chí kỹ thuật nhưng chất lượng rất khác nhau. Khi xếp chung một nhóm, thuốc chất lượng khó có cơ hội trúng thầu vì giá cao hơn các sản phẩm cạnh tranh mà chất lượng thấp hơn". 

Ông Dũng giải thích, khi ấy thuốc đấu thầu tập trung được chia thành ba gói là biệt dược gốc, generic và thuốc đông y dược liệu. Gói generic là thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược gốc đã hết hạn. Do đó thuốc generic có nhiều nhà sản xuất, nhiều sản phẩm, tên thương mại khác nhau.

Generic là nhóm trong đấu thầu rộng rãi có sự cạnh tranh rất quyết liệt, chia bốn nhóm. Nhóm một là những thuốc đạt các tiêu chuẩn chủ yếu từ nước có nền công nghiệp dược tiên tiến, chất lượng cao. Nhóm hai là thuốc sản xuất ở các nhà máy theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GMP WHO). Nhóm ba là thuốc vừa sản xuất nước ngoài vừa sản xuất trong nước nhưng được chứng minh tương đương sinh học với thuốc biệt dược gốc. Nhóm bốn là các thuốc khác. 

Việc phân nhóm này dựa vào tiêu chí chất lượng, kỹ thuật, công nghệ của nhà máy, dây chuyền sản xuất thuốc. Những thuốc trong cùng một nhóm được xem là có cùng tiêu chí chất lượng. Biệt dược gốc và thuốc nhóm một thường chất lượng cao hơn nên giá cũng cao hơn thuốc nhóm khác. Do đó khi đấu thầu tập trung, giá thắng thầu dựa trên yếu tố giá thấp nhất thì thuốc nhóm chất lượng cao không thể cạnh tranh. 

Nhược điểm khác của đấu thầu thuốc tập trung

Việc cung cấp thuốc giai đoạn đầu sau khi có kết quả đấu thầu của các công ty gặp một số khó khăn. Trên thực tế công ty thắng thầu chỉ có một lượng hàng dự trữ nhất định chứ không nhập khẩu và sản xuất đủ thuốc theo số lượng. Trong khi đó trên thị trường cùng một hoạt chất có rất nhiều mặt hàng thương mại của các hãng khác nhau, đáp ứng sự đa dạng trong điều trị. Kết quả đấu thầu tập trung dẫn đến cả TP HCM chỉ dùng một loại thuốc do một đơn vị cung cấp.

Chỉ thời gian ngắn sau khi có kết quả trúng thầu, các bệnh viện đồng loạt sử dụng những loại thuốc này trong khi lượng cung cấp giới hạn nên nguy cơ thiếu thuốc cục bộ. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, TP HCM có rất nhiều bệnh viện, lượng thuốc điều trị theo nhu cầu bệnh nhân lớn. Do đó nếu xảy ra thiếu thuốc sẽ ảnh hưởng trên diện rộng theo cấp số nhân, gây sự hỗn loạn. 

"Đấu thầu tập trung có thể dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình điều trị cho bệnh nhân, còn đấu thầu riêng lẻ từng bệnh viện mặt nào đó giúp chia sẻ cơ hội với bệnh nhân", bà Lan phân tích. 

Sau đợt đấu thầu tập trung hai năm 2014-2015 với nhiều bất cập, Bộ Y tế ban hành thông tư số 11 phân cấp đấu thầu. Từ năm 2016 đến nay Bộ Y tế tiến hành đấu thầu tập trung 5 thuốc, đàm phán giá 8 loại thuốc; Sở Y tế địa phương đấu thầu 106 mặt hàng. Các cơ sở khám chữa bệnh có thể đấu thầu tập trung tại Sở hoặc đấu thầu riêng lẻ các loại thuốc còn lại theo nhu cầu. 

Đầu năm 2016, nguyên bí thư thành ủy TP HCM Đinh La Thăng chỉ đạo Sở Y tế TP HCM dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật, giao việc đấu thầu về các bệnh viện để đẩy mạnh tính tự chủ, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm. TP HCM từ đó chuyển sang đấu thầu thuốc kết hợp hai hình thức vừa riêng lẻ vừa tập trung.

Công ty VN Pharma bị cơ quan điều tra xác định đã làm giả hồ sơ nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg chữa ung thư từ nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals Inc., Canada. Năm 2014 H-Capita thắng thầu tại Sở Y tế TP HCM với giá 31.000 đồng một viên so với giá kế hoạch 66.000 đồng. Bộ Y tế nghi ngờ nên yêu cầu công an điều tra VN Pharma và niêm phong lô hàng H-Capita không cho đưa ra thị trường. Vụ án được xét xử vào giữa tháng 8, cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị tòa tuyên 12 năm tù. Bộ Y tế ngày 29/8 khẳng định VN Pharma được cấp phép nhập khẩu lô Capita đúng quy định do có đầy đủ hồ sơ giấy tờ và các tài liệu được làm giả một cách tinh vi nên thời điểm ấy các chuyên viên của Bộ không thể nhận biết bằng mắt thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét