Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Nha Trang thả muỗi sinh học để diệt muỗi sốt xuất huyết

Ban đầu Khánh Hòa định thả loài muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ở 4 phường nội thành Nha Trang là Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và Phước Long, nơi có khoảng 55.900 người thuộc 12.600 gia đình sinh sống. Tuy nhiên tình hình sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều nơi và để thử nghiệm hiệu quả hơn, tỉnh quyết định thả loài muỗi này tại xã ngoại thành Vĩnh Lương nằm ở phía Bắc Nha Trang. 

Wolbachia là một loại vi khuẩn nội bào, sống trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng trong tự nhiên như bướm, chuồn chuồn, ruồi giấm và một số loài muỗi. Tuy nhiên muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika lại không mang vi khuẩn Wolbachia. Do đó các nhà khoa học sử dụng phương pháp công nghệ sinh học để diệt muỗi gây sốt xuất huyết, bằng cách thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ra môi trường tự nhiên. Muỗi Wolbachia sẽ cặp đôi với muỗi sốt xuất huyết, nhờ quá trình sinh sản tự nhiên của giống loài để truyền vi khuẩn Wolbachia cho muỗi bệnh, giúp hạn chế lan truyền bệnh mà không làm tăng số lượng muỗi trong cộng đồng. 

Đặt bẫy để thu thập mẫu muỗi tại nhà người dân. Ảnh: eliminatedengue

Đặt bẫy để thu thập mẫu muỗi tại nhà người dân. Ảnh: eliminatedengue

Tiến sĩ Viên Quang Mai, Viện trưởng Pasteur Nha Trang cho biết chương trình thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia thuộc Dự án Hướng tới Loại trừ Sốt xuất huyết tại Việt Nam do Bộ Y tế phê duyệt. Trong năm 2013-2014, dự án đã triển khai thí điểm thả muỗi ở thực địa đầu tiên là đảo Trí Nguyên với khoảng 3.000 dân sinh sống.  

Kết quả kiểm tra vào tháng 12/2014, hơn 90% muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết ở đảo Trí Nguyên đã được thay thế tự nhiên bằng muỗi vằn mang Wolbachia ít có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết. Hiện quần thể muỗi mang Wolbachia vẫn tự duy trì trên đảo. Những năm qua trong khi đất liền Nha Trang dịch sốt xuất huyết xảy ra lớn và gia tăng nhanh thì trên đảo không có ổ dịch tập trung nào kể từ khi ứng dụng nghiên cứu thả muỗi.

"Để đảm bảo hiệu quả khi chuyển thử nghiệm từ đảo về đất liền, dự án chọn địa phương ngoại thành là xã Vĩnh Lương để tiến hành trước khi triển khai ở nội thành", bác sĩ Viên chia sẻ. Trong toàn bộ quá trình nuôi và nhân giống, muỗi được kiểm nghiệm chặt chẽ để đảm bảo không mang bất kỳ mầm bệnh nào.

Các hoạt động trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu quần thể muỗi tự nhiên tại TP Nha Trang. Ảnh:

Các hoạt động trong phòng thí nghiệm nghiên cứu quần thể muỗi tự nhiên tại TP Nha Trang. Ảnh:  eliminatedengue

Theo các chuyên gia, việc phóng thả muỗi mang Wolbachia không gây tác hại hơn so với sự tồn tại của chúng trong môi trường tự nhiên hiện nay, rủi ro cũng không đáng kể và không đáng lo ngại. Hiện có 5 quốc gia nghiên cứu và thả muỗi mang Wolbachia trên thực địa bao gồm Australia, Việt Nam, Indonesia, Brazil và Colombia. Phương pháp này đang được Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích ứng dụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét