Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

10 năm Việt Nam tăng 200% người bệnh tiểu đường

Giáo sư Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết bệnh đái tháo đường tăng nhanh trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ đái tháo đường toàn cầu có thể tăng 54% trong vòng 20 năm từ 2010 đến 2030.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc đái tháo đường hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 5,4% dân số với 5 triệu bệnh nhân. Tỷ lệ này tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000. Số người mắc năm 2015 của Bình Dương là 13%, TP HCM 12%, mức báo động trên toàn thế giới.

Theo giáo sư Quang, điều đáng lo ngại là tỷ lệ người bệnh chưa chẩn đoán còn rất cao, chiếm khoảng 50%. Trong số 50% người được chẩn đoán và điều trị thì hơn một nửa có các biến chứng nặng về tim mạch, thận, tổn thương mắt, nhiễm trùng bàn chân dẫn đến đoạn chi... Bệnh tiến triển âm thầm, nhiều người khi đến khám lần đầu khi đã xuất hiện các biến chứng.

Ảnh: eyeradio

Ảnh: eyeradio

Phát hiện sớm có thể ngăn chặn, làm giảm biến chứng. Hiện các xét nghiệm đường máu và lipid máu có thể giúp phát hiện bệnh từ giai đoạn tiền đái tháo đường để có hướng can thiệp kịp thời, thay đổi lối sống, tránh chuyển sang đái tháo đường. Độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ, ở độ tuổi khoảng 30. Có những bệnh nhân phát hiện đái tháo đường type 2 từ lúc 8-9 tuổi.

Phó giáo sư Nguyễn Thy Khê, nguyên Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết yếu tố nguy cơ cao gây bệnh đái tháo đường là người béo phì thừa cân, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, phụ nữ sinh con trên 4 kg, buồng trứng đa nang... Cần áp dụng lối sống lành mạnh, vận động thể lực, ăn nhiều rau xanh và chất xơ, giảm tinh bột, hạn chế thức ăn chiên xào, không ngồi quá nhiều, giảm stress...

Ngày 29/7, hơn 600 bác sĩ Việt Nam bước vào chương trình đào tạo chuyên sâu ISTEP-D năm 2017-2018 do Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam tổ chức. Khóa đào tạo với sự hướng dẫn các chuyên gia đầu ngành trong nước cũng như thế giới, giúp cải thiện tình hình chẩn đoán, điều trị, xây dựng các phác đồ điều trị nội trú và củng cố chất lượng điều trị ngoại trú, quản lý tăng đường huyết nội viện và ngoại viện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét